1. Các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tay chân miệng
Các dấu hiệu của bệnh tay – chân – miệng ở trẻ rất dễ nhận biết, bao gồm:
Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
Tổn thương ở da: Rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
Một số trẻ có thể đau miệng, bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc…
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, theo dõi và phát hiện triệu chứng bệnh nặng lên, kịp thời điều trị, tránh hậu quả đáng tiếc.
2. Bệnh tay chân miệng lây truyền qua con đường nào?
Bệnh tay chân miệng lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc,… Sinh bệnh học của các chủng siêu vi này làm cơ thể tăng bài tiết các dịch tiết khi mắc bệnh. Trẻ hắt hơi, chảy mũi, ngậm mút đồ chơi chung với nhau là con đường lây truyền thuận lợi. Khi bị phát tán ra ngoài, virus vẫn có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nhiệt độ phòng, bám lên đồ dùng, đồ chơi, sàn nhà, ly chén, khăn, quần áo. Nếu một trẻ khỏe mạnh tiếp xúc chung trong môi trường này thì rất dễ bị lây nhiễm.
3. Diễn tiến và biến chứng có thể xảy ra
Trẻ mắc TCM ban đầu sẽ nổi bóng nước. Nếu bóng nước ở trong miệng thì vỡ ra thành vết loét, còn bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông thì thường không bị vỡ ra và sau đó sẽ khô dần. Diễn tiến bệnh thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, có thể nhiều hơn 10 ngày. Sau đó thì bóng nước có thể tự khô, tự ổn định và tự khỏi.
Trẻ mắc bệnh TCM tự khỏi chiếm khoảng trên 90% trường hợp. Còn lại trẻ mắc bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng ảnh hưởng tới não bộ, thân não gây ra suy hô hấp; ảnh hưởng tới tiêm gây ra viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp… thậm chí dẫn đến tử vong.
Do đó khi chăm sóc trẻ bệnh, người chăm sóc cần theo dõi kỹ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo trẻ chuyển bệnh nặng. Khi đó, chúng ta cần mang ngay trẻ đến bệnh viện vì thời gian giữ lại mạng sống cho trẻ khi có biến chứng lên não là khoảng 6-12 tiếng.
4. Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng chưa có vắc-xin phòng ngừa. Đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa nên quan trọng nhất vẫn là giữ vệ sinh. Vi rút gây bệnh có nhiều trong nước bọt, vết loét, dịch bóng nước. Vi rút có thể tồn tại ở bề mặt đồ vật ở xung quanh trẻ bệnh. Bàn tay trẻ hoặc bàn tay của người chăm sóc khi đụng chạm những đồ vật nhiễm vi rút sẽ mang vi rút trên bàn tay. Nếu đưa bàn tay lên mắt, mũi, miệng thì sẽ đưa vi rút vào trong cơ thể.
Do đó phòng bệnh quan trọng nhất là rửa sạch bàn tay trẻ và người chăm sóc trẻ, vệ sinh khử khuẩn các bề mặt đồ vật mà bàn tay hay sờ chạm tới. Những người chăm sóc trẻ cần đảm bảo vệ sinh cho bàn tay, rửa tay thường xuyên để không mang vi-rút lây bệnh cho trẻ.
Khi gặp bất cứ vấn đề về tay chân miệng ở trẻ, hãy đến cơ sở y tế gần nhất hoặc Phòng khám Đa khoa Nhơn Tâm để kiểm tra và kịp thời điều trị. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ số điện thoại: 02837801479 – Hotline: 0987519115.
(Theo Hcdc, vinmec)