Đau ruột thừa là bệnh rất thường gặp. Đây thường là dấu hiệu gợi ý một bệnh cảnh cấp tính tại ruột thừa và có diễn tiến rất trầm trọng. Nếu không được nhận biết sớm thì sẽ có hậu quả rất khó lường.
I. Ruột thừa nằm ở đâu?
- Ruột thừa (Appendix) là 1 bộ phận của ống tiêu hóa, nằm ở đáy manh tràng, gần ngã 3 nối ruột non (Ileum) và ruột già (Cecum). Đó là 1 ống mỏng dài khoảng 2-4 inches (khoảng 5-10 cm). Thông thường, ruột thừa nằm ở vùng bụng dưới bên phải, tuy nhiên nhiều trường hợp nằm ở các vị trí khác lân cận, thậm chí ở giữa và bên trái bụng.
- Vai trò của ruột thừa: Chức năng thật sự của ruột thừa đến nay vẫn còn bàn cãi. Có giả thiết cho rằng, ruột thừa đóng vai trò như 1 kho chứa các lợi khuẩn có ích, nhằm giúp khôi phục lại hệ tiêu hóa sau các đợt tiêu chảy do nhiễm trùng tiêu hóa. Cũng có giả thiết khác, ruột thừa chỉ là 1 tàn tích của ống tiêu hóa trong quá trình tiến hóa của con người.
Ruột thừa thường nằm ở vùng bụng dưới bên phải, nhiều trường hợp nằm ở các vị trí khác lân cận, thậm chí ở giữa và bên trái bụng.
II. Đau ruột thừa
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến đau ruột thừa
- Viêm ruột thừa: Nguyên nhân chính gây nên tình trạng đau ruột thừa.
- Khối u ruột thừa: Hiếm gặp hơn.
Đau ruột thừa thường được giải quyết chủ yếu bằng phẫu thuật can thiệp, hiếm khi có chỉ định điều trị nội khoa.
III. Viêm ruột thừa
- Đại cương
- VRT cấp là 1 cấp cứu ngoại khoa thường gặp.
- Chiếm 60-70% các cấp cứu về bụng.
- Tỉ suất bị VRT: 1/10.000 mỗi năm
- Tuổi mắc bệnh trung bình là 22, 10 – 30 (chiếm 70%)
- Tỷ lệ VRT biến chứng thủng: 19,2%.
- VRT người lớn tuổi: 50% có biến chứng.
- Các nước phương Tây có tần suất bị VRT cao hơn các nước Châu Á và Châu Phi
Viêm ruột thừa cũng là lý do dẫn đến các ca phẫu thuật ổ bụng chiếm tỉ lệ cao nhất trong cấp cứu ngoại ở Việt Nam.
- Nguyên nhân gây viêm ruột thừa cấp
- Phì đại các nang bạch huyết (60%): Các nang bạch huyết dưới niêm phì đại do: Đáp ứng tại chỗ (nhiễm trùng đường ruột do salmonella,..); đáp ứng với nhiễm trùng toàn thân, đối với các nhiễm trùng gây phản ứng tăng sinh bạch huyết như nhiễm trùng hô hấp cấp,…
- Ứ đọng sạn phân trong lòng ruột thừa (35%).
- Vật lạ (4%): Hạt trái cây nhỏ như chanh, ớt hoặc ký sinh trùng đường ruột như giun đũa, . . .
- Bướu thành ruột thừa, thành manh tràng đè vào (1%).
- Diễn tiến của viêm ruột thừa
- Đám quánh ruột thừa:
RT viêm được các cấu trúc xung quanh đến bao bọc, không có hoặc có rất ít mủ.
Khám ở hố chậu phải thấy một mảng cứng sờ vào giống như tấm bìa, ranh giới không rõ. Đôi khi rất khó phân biệt giữa áp xe ruột thừa và đám quánh ruột thừa.
Diễn tiến có thể tạo thành ổ áp xe, hay phản ứng viêm giảm dần và bệnh nhân bớt đau.
- Áp xe ruột thừa
Thời gian hình thành ổ áp xe thường từ 4- 5 ngày.
VRTC vỡ mủ được các tạng lân cận như mạc nối lớn, ruột non đến bao xung quanh, cô lập tạo thành ổ áp xe ruột thừa.
Khám lâm sàng sờ thấy một khối ở hố chậu phải di động kém, ấn rất đau.
- Viêm phúc mạc
Có thể khu trú ở HCP hoặc nửa bụng dưới hoặc viêm phúc mạc toàn thể.
Viêm phúc mạc ruột thừa thường do bệnh nhân đến muộn hoặc được chẩn đoán muộn.
Triệu chứng lâm sàng thường là bệnh nhân có đau hố chậu phải nhiều, sốt cao ≥ 39oC.
Khám lâm sàng lúc nầy bệnh nhân có dấu hiệu ấn đau đề kháng của viêm phúc mạc ở vùng hố chậu phải hay khắp bụng.
IV. Triệu chứng của viêm ruột thừa
4.1 Đau ruột thừa
- Là triệu chứng xuất hiện đầu tiên và luôn có.
- Tính chất cơn đau rất đa dạng. Dù vậy, đau ruột thừa do viêm thể điển hình có tính chất như sau: Cơn đau khởi ở vùng quanh rốn hoặc trên rốn. Sau khoảng 2-12 giờ, đau tăng dần và di chuyển xuống vùng hố chậu phải, đau âm ỉ liên tục, tăng lên khi ho hoặc khi thay đổi tư thế,… . Đây là triệu chứng đáng tin cậy nhất để nhận biết 1 trường hợp viêm ruột thừa cấp.
- Ngoài ra, như đã nói ở trên, vị trí của ruột thừa rất đa dạng. Do đó tùy vào vị trí của ruột thừa mà người bệnh sẽ có cảm nhận rất khác nhau về vị trí của đau ruột thừa: Đau hông lưng (ruột thừa sau manh tràng), đau hạ vị (ruột thừa thể tiểu khung), đau dưới sườn phải (ruột thừa dưới gan), …
- Ngoài ra, tính chất của cơn đau ruột thừa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác: Thuốc đang sử dụng, sức chịu đựng của người bệnh, sức đề kháng của người bệnh, tình trạng bệnh lý của người bệnh, …
Đau ruột thừa là triệu chứng xuất hiện đầu tiên và luôn có
4.2. Sốt
Thường sốt nhẹ ~38 độ C do tình trạng viêm nhiễm của ruột thừa. Nếu có biến chứng viêm phúc mạc thì tình trạng nhiễm trùng nặng, gây triệu chứng sốt cao.
4.3. Rối loạn tiêu hóa
- Người bệnh có thể có các triệu chứng khác như: Chán ăn/ăn không ngon, nôn/buồn nôn, tiêu chảy, hiếm khi có táo bón.
- Điều đáng lưu ý là triệu chứng chán ăn/ăn không ngon tuy không hằng định, nhưng gần như luôn xuất hiện trong viêm ruột thừa cấp, đến nỗi nhiều chuyên gia cho rằng nếu không có triệu chứng này thì cần xem xét lại chẩn đoán viêm ruột thừa
- Thứ tự xuất hiện của các triệu chứng thường là: Chán ăn → Đau ruột thừa → Nôn ói. Nếu nôn ói xuất hiện trước đau thì cần xem xét cẩn trọng.
V. Chẩn đoán viêm ruột thừa
- Do tính chất đa dạng của đau ruột thừa, nên bệnh lý viêm ruột thừa có thể rất dễ hoặc rất khó chẩn đoán. Thực tế, hiện nay không có 1 triệu chứng, dấu hiệu lâm sàng hay xét nghiệm nào chẩn đoán chính xác viêm ruột thừa trong tất cả các trường hợp. Việc chẩn đoán thường được kết hợp dựa trên bệnh cảnh lâm sàng, thăm khám và các xét nghiệm.
- Mặc dù hiện nay đã có những phát triển vượt bậc của các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và nội soi ổ bụng, tỉ lệ chẩn đoán lầm viêm ruột thừa vẫn chưa giảm nhiều, ở mức 15.3%, tương đương tỉ lệ thủng ruột thừa. Tỉ lệ chẩn đoán lầm ở nữ giới cao hơn nam giới (22.2% so với 9.3%).
VI. Điều trị viêm ruột thừa
- Nguyên tắc điều trị viêm ruột thừa cấp là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Phẫu thuật nên được tiến hành càng sớm càng tốt, ngay khi có chẩn đoán. Đây là điều trị đương nhiên không có bàn cãi cho các trường hợp viêm ruột thừa hoại tử hay thủng gây viêm phúc mạc. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng dù chẩn đoán viêm ruột thừa chưa xác định nhưng nếu người bệnh có cơn đau giống đau ruột thừa và đang diễn tiến nặng thì vẫn có khuyến cáo phẫu thuật để tránh các biến chứng đáng ngại của viêm ruột thừa.
- Điều trị kháng sinh có thể áp dụng cho các trường hợp viêm ruột thừa cấp không biến chứng ở những vùng xa xôi, những bệnh nhân có nhiều nguy cơ cho cuộc mổ hay từ chối mổ. Cần lưu ý, điều trị kháng sinh có tỷ lệ thất bại phải chuyển phẫu thuật, đồng thời đòi hỏi quá trình theo dõi chặt chẽ và kéo dài hơn và hiệu quả giảm dần theo thời gian.
Nguyên tắc điều trị viêm ruột thừa cấp là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa
VII. Viêm ruột thừa ở phụ nữ có thai
- Chẩn đoán viêm ruột thừa ở phụ nữ có thai là 1 thử thách vì các triệu chứng của viêm ruột thừa tương đối giống các than phiền thường gặp trong các thai kỳ bình thường. Mặt khác, vì ruột thừa bị đẩy lên cao và ra ngoài trong thai kỳ nên vị trí của đau ruột thừa cũng sẽ có sự thay đổi.
- Trên khía cạnh chẩn đoán, việc sử dụng CT-Scan cũng là 1 vấn đề nan giải. Người bệnh sẽ phải tiếp xúc với tia xạ (thường gấp 400 lần phim X-Quang phổi) và thường dùng chất cản quang nên không thích hợp cho phụ nữ có thai, dẫn đến khó khăn trong việc chẩn đoán. Dù vậy trong nhiều trường hợp, chụp với liều tia thấp và không dùng cản quang vẫn được chấp nhận.
- Phụ nữ có thai nghi ngờ viêm ruột thừa được khuyến cáo phẫu thuật sớm dù nguy cơ cắt “nhầm” ruột thừa bình thường tương đối cao, vì viêm ruột thừa nếu diễn tiến thành viêm ruột thừa hoại tử gây viêm phúc mạc sẽ làm tăng tỉ lệ mất thai lên 4 lần.
- Khối u ruột thừa
- Là bệnh lý rất hiếm gặp. Có thể gặp u lành tính hoặc u ác tính.
- Biểu hiện: Các khối u trên ruột thừa tiết các chất hóa học làm cho ruột thừa sưng viêm, gây nên tình trạng đau ruột thừa và tiêu chảy. Đau ruột thừa do u thường có biểu hiện nhẹ hơn và diễn tiến chậm, không cấp tính như trong viêm ruột thừa. Đây là 1 bệnh lý thường không đòi hỏi can thiệp cấp cứu.
- Việc chẩn đoán chủ yếu cũng tương tự như viêm ruột thừa. Tuy nhiên các u lại dễ dàng phát hiện qua các công cụ hình ảnh học như siêu âm, CT-Scan hay MRI.
- Việc điều trị dựa trên nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu vẫn dựa trên phẫu thuật.
Đau ruột thừa là 1 triệu chứng biểu hiện tình trạng bệnh lý bất thường của ruột thừa. Đau ruột thừa có tính chất rất đa dạng, do đó rất khó nhận biết và chẩn đoán chính xác. Dù vậy, do tính cấp tính của các bệnh lý gây nên tình trạng đau ruột thừa, cần phải đưa người bệnh đến ngay các trung tâm y tế để thăm khám và chẩn đoán khi nghi ngờ người bệnh đang có dấu hiệu của đau ruột thừa.