I. Bệnh xơ cứng động mạch là gì?
Bệnh xơ cứng động mạch là thuật ngữ y học chung chung mô tả các tình trạng bệnh lý của thành động mạch khi chúng dày hơn, cứng hơn và mất tính đàn hồi so với mức bình thường.
Động mạch là mạch máu mang oxy và các chất dinh dưỡng từ tim đến các bộ phận của cơ thể. Động mạch vốn đàn hồi và linh hoạt. Nhưng theo thời gian, cấu trúc thành động mạch có thể thay đổi làm chúng trở nên cứng hơn, tình trạng này gọi là xơ cứng động mạch. Tình trạng xơ cứng động mạch có thể làm cản trở lưu lượng máu và làm gián đoạn hoạt động bình thường của hệ tuần hoàn.
Xơ cứng động mạch là một quá trình xảy ra dần dần trong nhiều năm. Người bệnh có thể không có triệu chứng nào trong một thời gian dài, cho đến khi tình trạng xơ cứng động mạch diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Xơ cứng động mạch và xơ vữa động mạch thường bị nhầm lẫn. Xơ cứng động mạch là tình trạng mạch máu trở nên dày và cứng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong khi đó, xơ vữa động mạch chủ yếu là do sự tích tụ mảng bám cholesterol và các chất khác trong thành động mạch, làm hẹp mạch máu và cản trở lưu lượng máu. Xơ vữa động mạch là một dạng đặc biệt của xơ cứng động mạch.
Các loại xơ cứng động mạch thường gặp:
Có ba loại xơ cứng động mạch chính, bao gồm: xỡ vữa động mạch, xơ cứng tiểu động mạch và xơ cứng vôi hóa áo giữa (xơ cứng động mạch Mönckeberg).
1. Xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là quá trình sự lắng đọng dần dần của các hạt LDL qua lớp nội mạc mạch máu (khi bị tổn thương, suy giảm chức năng) vào thành mạch. Các tế bào đơn nhân thâm nhiễm vào thành mạch (do tổn thương nội mạc và các yếu tố viêm, hóa chất trung gian), hoạt hóa biến thành đại thực bào, tiếp theo đại thực bào sẽ ăn các hạt LDL biến thành các tế bào bọt. Các tế bào bọt này lắng đọng trong thành mạch và lại tiếp tục hoạt hóa thúc đẩy quá trình thực bào – lắng đọng tạo thành các mảng xơ vữa.
Xơ vữa động mạch thường thấy ở các động mạch vừa và lớn, rõ nhất ở các mạch máu có tốc độ dòng chảy cao (mạch não, mạch vành, mạch thận, mạch chậu), đặc biệt vị trí gập góc. Hậu quả là làm thành động mạch bị mất khả năng đàn hồi, đồng thời lòng động mạch bị hẹp dần rồi tắc nghẽn, gây cản trở hoặc tắc nghẽn lưu thông của động mạch. Những yếu tố nguy cơ góp phần hình thành mảng xơ vữa động mạch bao gồm: rối loạn lipid máu, béo phì, hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp.
Xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ não và nhồi máu cơ tim hay cơn đau thắt ngực. Xơ vữa động mạch xảy ra trong các mạch máu của thận có thể gây hẹp động mạch thận, hẹp tại động mạch cảnh, động mạch chi (đặc biệt là các mạch máu ở chi dưới)… gọi là bệnh động mạch ngoại biên.
2. Xơ cứng tiểu động mạch
Xơ cứng tiểu động mạch có tác động đến các động mạch nhỏ hơn là tiểu động mạch. Những tiểu động mạch này là nơi nối giữa các động mạch lớn hơn và mao mạch, có vai trò quan trọng trọng việc kiểm soát huyết áp hoặc mức độ di chuyển của máu trong cơ thể. Xơ cứng tiểu động mạch thường gặp trong tăng huyết áp và đái tháo đường.
Xơ cứng tiểu động mạch do tinh thể Hyaline: Dòng máu chảy qua mạch với áp suất cao làm các protein trôi nổi trong máu dính vào thành mạch máu. Về lâu dài, có nhiều protein bám vào thành mạch làm cho mạch máu trở nên cứng và dày lên. Thành mạch dày làm cho lòng mạch máu hẹp đi khiến giảm lưu lượng máu đến các cơ quan được cung cấp máu bởi các mạch này khiến chúng bị thiếu oxy. Điều này thường thấy ở thận, gây ra sẹo tiểu cầu thận. Sự gây sẹo ở càng nhiều tiểu cầu thận sẽ dẫn đến suy thận mạn tính.
Người bị đái tháo đường có thể mắc xơ cứng tiểu động mạch do tinh thể Hyaline thông qua một cơ chế khác. Tiếp xúc trực tiếp với lượng đường trong máu cao có thể làm nội mạc mạch máu bị tổn thương, sau đó gây ảnh hưởng đến màng đáy mạch máu.
Xơ cứng tiểu động mạch tăng (sinh) sản do sự gia tăng sự sinh sản làm dày thêm thành mạch máu, xảy ra khi một người có huyết áp rất cao. Các mạch máu thích nghi với tình trạng tăng huyết áp nặng bằng cách tăng sinh lớp cơ trơn và màng đáy, làm mạch máu cứng và mạnh hơn. Nhược điểm là làm lòng mạch máu trở nên hẹp hơn và giảm lưu lượng, gây ra thiếu máu cục bộ tại các cơ quan mà mạch máu này chi phối. Cũng như xơ cứng tiểu động mạch do tinh thể Hyaline, tổn thương gây ra thường ở thận.
3. Xơ cứng động mạch Mönckeberg (Xơ cứng vôi hóa áo giữa)
Bệnh xơ cứng động mạch Mönckeberg hay còn gọi là xơ cứng vôi hóa áo giữa, là một tình trạng hiếm gặp hơn, hình thành do sự tích tụ của các tính thể calcium ở lớp áo giữa của động mạch. Tình trạng này làm thành mạch máu cứng hơn nhưng không ảnh hưởng đến đường kính lòng mạch nên lưu lượng máu không bị ảnh hưởng. Do đó, chúng thường không gây ra triệu chứng, thường được phát hiện tình cờ khi đang chẩn đoán một bệnh khác ví dụ thông qua chụp phim X-quang, CT.
Những người trên 65 tuổi thường sẽ bị vôi hóa ở mức độ nhất định. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận mạn tính, bệnh lupus, chứng thừa vitamin D, calci.
Tình trạng dày lên và xơ cứng làm cản trở lưu lượng máu trong động mạch
Các yếu tố nguy cơ của xơ cứng động mạch
Các yếu tố nguy cơ gây xơ cứng động mạch có thể khác nhau tùy theo loại bệnh: xơ vữa động mạch, xơ cứng tiểu động mạch hoặc xơ cứng động mạch Mönckeberg, bao gồm:
- Rối loạn lipid máu.
- Tăng huyết áp.
- Đái tháo đường.
- Hút thuốc lào, thuốc lá.
- Béo phì, thừa cân.
- Ngừng thở khi ngủ.
- Bệnh thận mạn.
- Ít vận động, lối sống tĩnh lặng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân, béo phì.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh như ăn mặn, đồ ngọt nhiều đường, nhiều dầu mỡ, phủ tạng động vật…
- Gia đình từng có người mắc bệnh xơ cứng động mạch.
II. Triệu chứng xơ cứng động mạch
Xơ cứng động mạch không hề có triệu chứng cho đến khi sự tắc nghẽn trở nên trầm trọng. Một khi điều này xảy ra các triệu chứng bắt đầu trở nên rõ ràng, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạch trong một số trường hợp cấp tính.
Triệu chứng phụ thuộc vị trí động mạch bị xơ cứng:
- Động mạch vành hoặc động mạch chủ ngực: Đau tức ngực, khó thở.
- Động mạch chủ bụng hoặc động mạch mạc treo: đau bụng.
- Động mạch cảnh: Yếu liệt nửa người, nói ngọng, méo miệng…
- Động mạch chi dưới: Mỏi chân khi vận động, nghỉ ngơi đỡ, lâu dần đau ngay cả khi nghỉ ngơi, thậm chí hoại tử ngón chân, tê bì, rối loạn cảm giác.
- Động mạch chi trên: Đo huyết áp chênh lệch 2 tay > 20 mmHg, mỏi tay khi vận động, đau tay ngay cả khi nghỉ ngơi, đau buốt, hoại tử đầu ngón tay.
- Động mạch thận: Huyết áp cao, da sạm, mệt mỏi, phù chân, tiểu ít. (3)
- …
Biến chứng của xơ cứng động mạch
Xơ cứng động mạch làm thành mạch máu kém bền và có thể gây hẹp lòng mạch máu, dẫn đến mạch máu dễ bị giãn phình, lóc tách hoặc tắc nghẽn dẫn đến thiếu máu cục bộ cơ quan do mạch máu đó chi phối. Các biến chứng thường gặp có thể kể đến như:
1.Bệnh động mạch chủ
Phình động mạch chủ, lóc tách động mạch chủ, huyết khối trong thành, loét xuyên thành động mạch chủ. Trong một số trường hợp yêu cầu có các can thiệp hoặc phẫu thuật để đảm bảo tránh vỡ động mạch chủ.
2.Bệnh động mạch vành
Xơ vữa động mạch vành có thể dẫn đến cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim thậm chí đột tử.
3. Bệnh động mạch cảnh
Hẹp tắc động mạch cảnh có thể gây ra nhồi máu não hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua.
4. Bệnh động mạch ngoại vi
Vị trí động mạch bị hẹp tại cánh tay hoặc chân có thể khiến lưu lượng máu ở cánh tay và chân bị giảm đi, khiến người bệnh ít nhạy cảm hơn với nóng và lạnh, tăng nguy cơ bị bỏng hoặc tê cóng. Thậm chí tình trạng thiếu máu đến cánh tay hoặc chân có thể gây hoại tử.
5. Bệnh thận mãn tính
Trường hợp xơ cứng xảy ra tại hệ thống động mạch thận có thể dẫn đến suy thận mạn tính, trường hợp suy thận nặng có thể cần phải can thiệp lọc máu chu kỳ.
6. Đột quỵ
Khi các động mạch não bị xơ cứng hay hẹp tắc có thể gây ra nhồi máu não hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua. Biểu hiện là giảm tri giác, lơ mơ, nói ngọng, méo miệng, rối loạn cảm giác, yếu liệt nửa người hoặc đại – tiểu tiện không tự chủ.
7. Chứng phình động mạch
Đây là một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra ở bất kì vị trí nào trong cơ thể. Nếu túi phình bị vỡ ra, có thể gây chảy máu trong, đe dọa đến tính mạng người bệnh, đặc biệt ở vị trí động mạch chủ.
Động mạch bị yếu đi và phình ra tạo thành một khối chứa đầy máu
Phương pháp chẩn đoán bệnh xơ cứng động mạch
Khi khám sức khỏe, bác sĩ có thể sàng lọc các dấu hiệu ban đầu của bệnh xơ cứng động mạch thông qua khai thác về tiền sử, triệu chứng lâm sàng và khám hệ động mạch. Thăm khám thường gặp nhất là bắt mạch sau chỗ nghẽn tắc yếu hoặc mất mạch, nghe có tiếng thổi thì tâm thu.
- Điện tâm đồ: Giúp đo hoạt động điện của tim, nhằm đánh giá các dấu hiệu thiếu máu cơ tim.
- Siêu âm tim: Siêu âm tim cho thấy hình ảnh về cấu trúc và hoạt động của tim. Hình ảnh siêu âm tim có thể gợi ý về bệnh động mạch vành thậm chí là bệnh động mạch chủ.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu kiểm tra mỡ máu, glucose, chức năng thận cũng như 1 số xét nghiệm chuyên biệt cho suy tim, thiếu máu cơ tim. Đồng thời, xét nghiệm máu cũng giúp bác sĩ kiểm tra được giai đoạn của bệnh, theo dõi diễn biến và đánh giá hiệu quả quá trình điều trị.
- Siêu âm Doppler mạch máu: Kỹ thuật chẩn đoán bằng hình ảnh không xâm lấn, đơn giản, dễ thực hiện, sẵn có, giúp phát hiện bất thường ở mạch máu như phình giãn, hẹp động mạch, huyết khối tĩnh mạch, kiểm tra tình trạng xơ vữa động mạch…
- Chụp động mạch qua da (DSA): Sử dụng tia X và thuốc cản quang để khảo sát các động mạch (mạch vành, mạch chi…). Mạch máu sẽ hiển thị chi tiết trên từng cúp chụp giúp bác sĩ có đánh giá chính xác có hẹp tắc hay không, nếu hẹp tắc thì hẹp tắc vị trí nào, mức độ hẹp tắc và nếu cần thiết can thiệp tái thông, các bác sĩ có thể tiến hành ngày trong cùng một thì.
- Kiểm tra gắng sức: Xét nghiệm này giúp đo hoạt động của tim trong khi hoạt động thể chất. Từ đó, đánh giá được khả năng co bóp của tim, phát hiện được các bất thường liên quan đến khả năng tống máu của tim, nghi ngờ bệnh mạch vành.
- Chụp CT: Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) cho ra hình ảnh các cơ quan, xương và mô của cơ thể theo lát cắt ngang bằng việc kết hợp máy tính với tia X. Chụp CT mạch máu có tiêm thuốc cản quang cho hình ảnh chi tiết và rõ nét, độ chính xác cao, nhằm xác định chẩn đoán bệnh và xác định chiến lược điều trị nếu cần.
Kỹ thuật chụp CT cắt lớp giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán, đưa ra hướng điều trị đúng đắn cho người bệnh
III. Phương pháp điều trị bệnh xơ cứng động mạch
Điều trị bệnh xơ cứng động mạch bao gồm chế độ ăn uống khoa học, tăng cường vận động kết hợp với sử dụng thuốc để kiểm soát tình trạng xơ cứng. Trường hợp người bệnh có triệu chứng, mạch máu bị phình hay tắc nghẽn, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ cá thể hóa để ngăn ngừa biến chứng vỡ hoặc hình thành cục máu đông và giảm bớt triệu chứng cho người bệnh.
1. Thay đổi lối sống
Với bệnh nhân bị xơ cứng động mạch, việc áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh là rất quan trọng, góp phần hạn chế nguy cơ phát triển của bệnh. Nên ưu tiên ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh, các loại củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, cá. Đồng thời, cần chú ý hạn chế nạp những thực phẩm có chứa chất béo không lành mạnh, đồ ăn được chế biến nhiều đường, muối. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên bỏ thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia, cà phê, nước ngọt có ga…
Về vận động, nên duy trì thói quen vận động đều đặn từ 3-5 buổi mỗi tuần và khoảng 30 phút cho mỗi buổi tập. Người bệnh nên chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe và vận động ở mức độ vừa sức.
Về chế độ nghỉ ngơi, nên có sự cân bằng trong công việc và thời gian nghỉ ngơi. Ngủ đủ giấc mỗi ngày và có chất lượng ngủ tốt. Tránh căng thẳng quá mức.
Bên cạnh đó, người bệnh nên khám sức khỏe thường xuyên, kiểm soát các bệnh nền tốt như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn…
2. Điều trị nội khoa (dùng thuốc)
Các statin là loại thuốc chính được dùng để giảm cholesterol và chống xơ cứng động mạch, giúp giảm 20% tỷ lệ tử vong do tim mạch khi dùng theo khuyến cáo. Chúng ngăn chặn enzyme HMG-CoA reductase trong gan, cản trở quá trình sản xuất cholesterol và hạn chế hình thành mảng xơ vữa trong cơ thể.
Thuốc kháng kết tập tiểu cầu (Aspirin, Clopidogrel…) để hạn chế hình thành cục máu đông thiếu máu cục bộ các cơ quan như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não…
Thuốc hạ áp ưu tiên nhóm ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể khi bệnh nhân đã có biến chứng xơ vữa mạch máu. Ngày ra có thể sử dụng các nhóm thuốc khác như chẹn kênh canxi, chẹn beta, lợi tiểu… để kiểm soát tốt huyết áp.
Ngoài ra có thể dùng các thuốc khác nhằm giảm triệu chứng cho người bệnh. Ví dụ thuốc nhóm nitrat để giảm đau ngực ở bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành, cilostazol để cải thiện quãng đường đi bộ ở bệnh nhân mắc bệnh động mạch chi dưới.
3. Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật
Các phương pháp điều trị bằng phẫu thuật cho bệnh nhân bị xơ cứng động mạch bao gồm:
- Nong và đặt stent động mạch vành: Là thủ thuật can thiệp tim mạch không phải phẫu thuật, stent được chèn vào trong cơ thể nhờ ống thông có bóng ở đầu để mở rộng các động mạch nuôi tim đang bị tắc nghẽn, giúp khôi phục lưu lượng máu của động mạch vành bị tắc nghẽn hoặc bị hẹp do xơ vữa. Nong mạch vành bằng bóng qua da có hoặc không đặt stent là phương pháp xâm lấn tối thiểu, giúp tránh phải mở lồng ngực khi điều trị bệnh mạch vành.
- Đặt stent graft động mạch chủ: Được áp dụng trong các trường hợp tổn thương tại động mạch chủ ngực hoặc bụng do phình giãn lớn, lóc tách, loét xuyên thành hoặc huyết khối trong thành kích thước lớn nguy cơ vỡ hoặc dọa vỡ.
- Nong và đặt stent động mạch thận, động mạch chi.
- Phẫu thuật bóc nội mạch động mạch cảnh trong: Bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật loại bỏ hết mảng xơ vữa bám ở thành động mạch cảnh trong nhằm ngăn ngừa nguy cơ tai biến mạch máu não trong tương lai ở bệnh nhân có hẹp động mạch cảnh.
- Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: Trong trường hợp tổn thương động mạch vành nặng hoặc không phù hợp cho việc can thiệp đặt stent, bác sĩ sẽ phẫu thuật dùng mạch máu nhân tạo hoặc mạch máu tự thân làm cầu nối từ trước chỗ tắc ra sau chỗ tắc.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch chi.
Nong và đặt stent động mạch vành giúp khôi phục lưu lượng máu bị tắc nghẽn hoặc bị hẹp do xơ vữa
Bệnh nhân đang điều trị xơ cứng động mạch nên dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ
IV. Phương pháp phòng ngừa bệnh xơ cứng động mạch
Để phòng ngừa bệnh xơ cứng động mạch, có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Xây dựng chế độ ăn có lợi cho tim mạch bằng việc bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Đồng thời hạn chế các thực phẩm nhiều cholesterol, muối, đường…
- Tránh sử dụng thuốc lá, hạn chế uống cà phê, rượu, bia, các loại nước có ga.
- Vận động thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và duy trì tập đều đặn 5 ngày mỗi tuần.
- Duy trì cân nặng phù hợp. Nếu thừa cân, béo phì nên thực hiện giảm cân khoa học.
- Kiểm soát huyết áp và quản lý mức cholesterol.
- Đến bệnh viện để thăm khám sức khỏe theo thường xuyên.