0987 519 115

24/7 Đặt lịch nhanh

Thời gian làm việc: Từ Thứ 2 đến Thứ 7

Chủ nhật

Sáng: 7h00 – 11h30

Sáng: 7h00 – 11h30

Chiều: 13h00 – 18h00

Chiều: Nghỉ

Rối loạn mỡ máu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa

Rối loạn mỡ máu là tiền căn gây nên các bệnh lý nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe người bệnh như thuyên tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim, thiếu máu não, đột quỵ. Rối loạn mỡ máu ngày càng trẻ hóa bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Lạm dụng rượu bia, thừa cân, béo phì, lười vận động… được xem là nguyên nhân góp phần gây rối loạn mỡ máu ở người trẻ.

I. Rối loạn mỡ máu là gì?

Mỡ máu là chất béo dạng sáp tồn tại trong máu, có vai trò cung cấp năng lượng cho tế bào và các hoạt động chức năng của cơ thể. Chất béo trung tính (Cholesterol và triglyceride) được xem là loại mỡ máu gây ra các bệnh lý nghiêm trọng của cơ thể, bao gồm:

  • Cholesterol LDL: được xem là loại “cholesterol xấu”, hình thành các mảng bám trong mạch máu.
  • Cholesterol HDL: được xem là “cholesterol tốt” giúp loại bỏ LDL ra khỏi máu.
  • Chất béo trung tính: hình thành và phát triển do lượng calo không được đốt cháy ngay lập tức, chúng lưu trữ trong các tế bào mỡ.

Rối loạn mỡ máu là bệnh gì? Bị rối loạn mỡ máu có nguy hiểm không?

  • Cholesterol có mặt trong các tế bào của cơ thể. Chất béo trung tính cũng có trong tế bào và trong chất béo bão hòa có trong thịt, mỡ động vật, các chế phẩm từ sữa, trứng… Gan cũng đóng vai trò sản xuất cholesterol và chất béo trung tính.
  • Rối loạn mỡ máu là nồng độ cao hơn hoặc thấp hơn mức bình thường của chất béo trong máu. Cụ thể:
  • Lipoprotein mật độ thấp (LDL) có mức độ cao;
  • Lipoprotein mật độ cao (HDL) có mức độ thấp;
  • Chất béo trung tính có mức độ cao;
  • LDL và chất béo trung tính cao (Cholesterol cao).

Những người có mức cholesterol LDL và chất béo trung tính cao hoặc mức HDL rất thấp có nguy cơ mắc biến chứng xơ vữa động mạch cao hơn. Sự tích tụ các mảng xơ vữa gây ra tình trạng bị hẹp lòng mạch, có thể tiến triển hẹp nặng gây hẹp tắc mạch máu dẫn đến vấn đề tim mạch. Đây là nguyên nhân gây đột quỵ và tử vong.

II. Phân loại rối loạn mỡ máu

Rối loạn mỡ máu hay còn gọi là rối loạn lipid máu được chia thành 2 loại: nguyên phát và thứ phát. Nguyên nhân phổ biến gây rối loạn mỡ máu nguyên phát thường bắt nguồn từ di truyền gia đình. Ngược lại tình trạng rối loạn mỡ máu thứ phát do các nguyên nhân, bệnh lý khác gây nên.

III. Triệu chứng rối loạn mỡ máu thường gặp

Những người mắc rối loạn mỡ máu mức độ nhẹ thường không có triệu chứng rõ ràng và chỉ được phát hiện tình cờ trong quá trình xét nghiệm máu định kỳ. Ngược lại, rối loạn mỡ máu được cho là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch và có triệu chứng cụ thể.

Một số dấu hiệu bệnh điển hình thường là khi chúng đã ảnh hưởng đến các cơ quan khác của cơ thể như tim, não, thận như:

  • Đau tức ngực, áp lực ở ngực;
  • Khó thở, đau khi hít thở mạnh;
  • Đau, căng ở khu vực cổ, quai hàm, vai, lưng;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Ngất xỉu.

Một số người có mức cholesterol và chất béo trung tính cao khiến phát triển xanthomas, biểu hiện ở các vết nổi, u vàng vùng xung quanh mắt, khuỷu tay, mắt cá chân. Trường hợp này thường phổ biến ở những bệnh nhân có tiền sử rối loạn mỡ máu trong gia đình.

Xanthomas (u vàng ở da) ở da xuất hiện ở vùng quanh mắt bệnh nhân rối loạn mỡ máu

IV. Nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu phổ biến

Nguyên nhân rối loạn mỡ máu được hiểu gồm hai nhóm: nguyên phát và thứ phát. Cụ thể:

1. Nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu nguyên phát gồm những gì?

Là tình trạng rối loạn mỡ máu liên quan đến đột biến gen đơn hoặc đa gen dẫn đến sản xuất quá mức hoặc giảm thanh thải LDL; hoặc trong quá trình sản xuất thiếu hoặc thanh thải quá mức HDL.

  • Tăng mỡ máu có tính chất gia đình: nguyên nhân di truyền phổ biến nhất ở cả cholesterol LDL cao và chất béo trung tính cao. Nếu bệnh sử ghi nhận rối loạn mỡ máu có tính gia đình, người bệnh có thể phát triển những dấu ấn rối loạn nồng độ mỡ trong máu ở tuổi thiếu niên hoặc tầm 20 tuổi.
  • Tăng cholesterol máu gia đình và tăng cholesterol máu đa gen: đặc trưng bởi cholesterol toàn phần cao.
  • Tăng apobetalipoprotein huyết gia đình: hàm lượng apolipoprotein B cao (một loại protein và là một phần của cholesterol LDL).

2. Nguyên nhân và yếu tố rủi ro gây rối loạn mỡ máu thứ phát

Các nguyên nhân có thể gây rối loạn mỡ máu bắt nguồn từ thói quen, tổ chức lối sống như:

  • Tiêu thụ quá nhiều calo, chất béo bão hòa, cholesterol và chất béo chuyển hóa;
  • Thói quen sử dụng đồ uống kích thích, đồ uống có cồn;
  • Mắc các bệnh lý thận mạn tính, đái tháo đường, suy giáp, xơ gan-mật nguyên phát, các bệnh gan ứ mật khác;
  • Sử dụng các loại thuốc có hoạt tính cao như thiazid, retinoid, các thuốc kháng retrovirus hoạt tính cao, cyclosporine, tacrolimus, estrogen và progestin và glucocorticoid…;
  • Hút thuốc lá và các chế phẩm từ thuốc lá;
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), hội chứng Cushing, rối loạn đường ruột (IBS);
  • Nhiễm hội chứng suy giảm miễn dịch ở người HIV và hội chứng thận hư.

V. Rối loạn mỡ máu có di truyền không?

Bạn có nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu nguyên phát nếu có bố hoặc mẹ bị rối loạn mỡ máu. Ngoài ra, rối loạn mỡ máu thứ phát xuất phát từ các thói quen, lối sống thiếu lành mạnh.

Dạng tăng cholesterol máu di truyền phổ biến nhất được gọi là tăng cholesterol máu gia đình dị hợp tử (FH). Những trường hợp có người thân bị cholesterol cao hoặc bị nhồi máu cơ tim trước 55 tuổi nếu ở nam và 65 tuổi ở nữ, trẻ em và thanh thiếu niên nên được kiểm tra FH.

VI. Phương pháp chẩn đoán rối loạn mỡ máu

Xét nghiệm máu là phương pháp chẩn đoán rối loạn mỡ máu ở người bệnh. Các chỉ số sau xét nghiệm cho biết nồng độ cao, thấp hay trong phạm vi lành mạnh của LDL, HDL, chất  béo trung tính. Mức độ này có sự thay đổi, do đó mỗi người, đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ cao cần xét nghiệm máu hàng năm. Đối với người đang điều trị rối loạn mỡ máu, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu 3-6 tháng/lần.

VII. Bị mắc rối loạn mỡ máu có nguy hiểm không?

Rối loạn mỡ máu rất nguy hiểm, là tiền căn gây nên các bệnh lý nghiêm trọng đe dọa sức khỏe như nhồi máu cơ tim cấp, suy tim, đột quỵ não, nhồi máu thận, tăng huyết áp… Mức cholesterol LDL và chất béo trung tính cao hoặc mức HDL thấp khiến người bệnh có nguy cơ đột quỵ tim cao hơn.

VIII. Phương pháp điều trị tình trạng rối loạn mỡ máu

Mục tiêu điều trị rối loạn mỡ máu là hạn chế khả năng xảy ra các bệnh lý tim mạch do xơ vữa động mạch như hội chứng mạch vành cấp tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua hoặc bệnh động mạch ngoại biên được cho liên quan đến tình trạng này.

Điều trị rối loạn mỡ máu phụ thuộc vào nguyên nhân gây tình trạng rối loạn cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Mục tiêu điều trị dựa vào đích LDL, đích LDL có sự thay đổi với từng ca bệnh, người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao, trung bình hay thấp.

Cholesterol cao thường được chỉ định điều trị bằng statin. Thuốc có cơ chế cản trở quá trình sản xuất cholesterol trong gan.

Nếu phương pháp statin không làm giảm mức LDL và chất béo trung tính, một số loại thuốc có thể được chỉ định:

  • Ezetimib;
  • Niacin;
  • Fibrate;
  • Chất cô lập axit mật;
  • Evolocumab và Alirocumab;
  • Lomitapide và mipomersen;

IX. Cách phòng tránh rối loạn mỡ máu

Mọi người đều có nguy cơ bị rối loạn mỡ máu cũng như không có biện pháp cụ thể giúp phòng tránh rối loạn mỡ máu. Tuy nhiên, một số lưu ý có thể giảm thiểu khả năng mắc rối loạn mỡ máu như:

  • Chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh, trái cây tươi trong thực đơn hàng ngày để tăng chất xơ.
  • Điều chỉnh lối sống khoa học, tập thể dục tăng cường sức khỏe.
  • Duy trì cân nặng, hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Bỏ thói quen hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, nước ngọt…
  • Dùng chất béo không bão hòa lành mạnh có trong các loại hạt, đậu, dầu cá, dầu oliu…
  • Uống nhiều nước.
  • Tránh ngồi trong thời gian dài, có thể đi lại, vận động nhẹ trong thời gian làm việc.
  • Hạn chế chất béo không lành mạnh có trong thịt đỏ, sản phẩm từ sữa, carbohydrate tinh chế, chocolate, thực phẩm chiên.
  • Nếu bệnh sử gia đình ghi nhận mắc cholesterol cao, thế hệ sau cần chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm sớm phát hiện dấu ấn bệnh, tránh biến chứng nghiêm trọng xảy ra.

X. Cách chăm sóc người bị rối loạn mỡ máu

Rối loạn mỡ máu là một trong những nguyên nhân chính khiến người bệnh nhồi máu cơ tim, đau tim, đột quỵ… Song người bệnh vẫn có thể tự bảo vệ mình bằng cách duy trì lối sống lành mạnh kết hợp dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Hãy lưu ý các hướng dẫn sau của bác sĩ để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao:

  • Bỏ hút thuốc lá, các chất gây nghiện, tránh hít khói thuốc;
  • Ngủ đủ giấc, thời gian ngủ 8 tiếng/ngày;
  • Tránh căng thẳng mệt mỏi, làm việc quá độ;
  • Tăng cường thực phẩm dinh dưỡng, lành mạnh cho bữa ăn hàng ngày;
  • Hạn chế tối thiểu uống rượu bia, nước ngọt…;
  • Duy trì cân nặng ổn định;
  • Kết hợp tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, tập yoga…;
  • Hạn chế sử dụng thịt đỏ, mỡ động vật, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ…;
  • Sử dụng thuốc đúng theo đơn bác sĩ đã kê, tái khám định kỳ theo lịch hẹn
  • Luyện tập thể dục thể thao được xem là một giải pháp góp phần hạn chế nguy cơ và biến chứng rối loạn mỡ máu. Mỗi ngày, bạn nên duy trì tập thể dục, thể thao khoảng 30-60 phút. Bạn có thể tham vấn bác sĩ để được hướng dẫn loại hình bài tập, thời gian luyện tập phù hợp thể trạng.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC

ĐẶT LỊCH KHÁM