0987 519 115

24/7 Đặt lịch nhanh

Thời gian làm việc: Từ Thứ 2 đến Thứ 7

Chủ nhật

Sáng: 7h00 – 11h30

Sáng: 7h00 – 11h30

Chiều: 13h00 – 18h00

Chiều: Nghỉ

Sốc tim, nguyên nhân, dấu hiệu và chẩn đoán

Ước tính mỗi năm có khoảng 40.000 đến 50.000 người ở Mỹ bị sốc tim. Đây là một tình trạng y tế khẩn cấp đe dọa tính mạng, xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm đột ngột. Nguyên nhân thường do tắc nghẽn một hoặc nhiều động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim. Vậy các dấu hiệu của sốc tim là gì và cách chẩn đoán, điều trị như thế nào?

I. Sốc tim là gì?

Sốc tim (tên tiếng anh là Cardiogenic shock) là trạng thái giảm cung cấp máu cho cơ quan đích và thiếu oxy mô do suy tim và hệ thống tim mạch mất khả năng cung cấp đủ máu đến các bộ phận và cơ quan sống của cơ thể. Sốc tim còn được gọi là sốc tim mạch hay sốc tuần hoàn. Đây là tình trạng rất hiếm gặp, thường gây tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức. Khi được điều trị ngay kịp thời, khoảng 1/2 số người mắc tình trạng này sẽ sống sót.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây sốc tim là nhồi máu cơ tim cấp. Ngoài ra, các rối loạn khác dẫn đến suy yếu cơ tim, van tim, hệ thống dẫn truyền hoặc màng ngoài tim cũng có thể dẫn đến sốc tim. Mặc dù có những tiến bộ trong liệu pháp tái tưới máu và các phương pháp điều trị hỗ trợ tuần hoàn cơ học, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở những bệnh nhân bị sốc tim vẫn ở mức cao.

II. Các giai đoạn của sốc tim

Các giai đoạn của sốc tim được phân chia từ nguy cơ đến rất nặng, bao gồm:

  • Nguy cơ (A): Người bệnh có nguy cơ sốc tim nhưng huyết động ổn định, không có dấu hiệu và triệu chứng sốc tim. Mặc dù chưa có biểu hiện sốc, nhưng đây là giai đoạn cần được theo dõi sát để phát hiện sớm các dấu hiệu tiến triển.
  • Bắt đầu (B): Bệnh nhân có các dấu hiệu của huyết động không ổn định hư tụt áp, nhịp nhanh nhưng không giảm tưới máu. Bệnh nhân có thể khó thở, lo lắng hoặc lú lẫn nhẹ.
  • Tiến triển (C): Đây là giai đoạn mà sốc tim trở nên rõ ràng và cần can thiệp tích cực. Huyết áp tiếp tục giảm mặc dù đã được bù dịch. Người bệnh có bằng chứng của giảm tưới máu mô cần hỗ trợ bằng thuốc hoặc thiết bị cơ học hỗ trợ tim. Các dấu hiệu giảm tưới máu cơ quan bao gồm tiểu ít, rối loạn ý thức và da lạnh ẩm. Giai đoạn này đòi hỏi sự chăm sóc tích cực và theo dõi sát để ngăn chặn sự tiến triển thành các giai đoạn nghiêm trọng hơn.
  • Suy yếu (D): Người bệnh có bằng chứng lâm sàng của sốc nặng hoặc không cải thiện với các liệu pháp điều trị liên tiếp. Tình trạng bệnh nhân tiếp tục xấu đi, có thể xuất hiện toan chuyển hóa nặng và suy đa cơ quan. Ở giai đoạn này, bác sĩ có thể xem xét áp dụng các biện pháp hỗ trợ tim phổi bằng thiết bị cơ học phức tạp hơn như ECMO (Oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể). Bệnh nhân có tiên lượng nặng và đòi hỏi sự can thiệp y tế chuyên sâu.
  • Cực đoan (E): Bệnh nhân sốc dai dẳng hoặc chuẩn bị suy tuần hoàn, cần hồi sức tim phổi, máy thở và máy khử rung tim. Tiên lượng ở giai đoạn này rất xấu nếu không có sự can thiệp kịp thời và hiệu quả. Đây là giai đoạn đòi hỏi nỗ lực tối đa của đội ngũ y tế và sử dụng mọi nguồn lực sẵn có để cứu sống bệnh nhân. (2)

Bệnh nhân sốc tim ở giai đoạn suy yếu cần được hỗ trợ oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể

III. Nguyên nhân gây sốc tim

Sốc tim có thể được phân thành nguyên nhân do tim thật sự như nhồi máu cơ tim và nguyên nhân ngoài tim do tắc nghẽn đường vào (tràn khí màng phổi, chẹn tim) hoặc đường ra (thuyên tắc phổi). Những nguyên nhân có thể dẫn đến sốc tim bao gồm:

1. Nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là nguyên nhân phổ biến nhất gây sốc tim. Khi một phần của cơ tim bị thiếu máu cung cấp do tắc nghẽn động mạch vành, có thể dẫn đến suy giảm chức năng bơm máu của tim, gây ra sốc tim.

2. Suy tim mạn tính

Suy tim mạn tính tiến triển có thể dẫn đến sốc tim khi tim không còn khả năng bơm máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này thường xảy ra sau một thời gian dài bị suy tim và có thể được kích hoạt bởi các yếu tố như nhiễm trùng hoặc rối loạn nhịp tim.

3. Viêm cơ tim

Viêm cơ tim có thể làm suy giảm nghiêm trọng chức năng tim, dẫn đến sốc tim. Các nguyên nhân gây viêm cơ tim có thể do nhiễm trùng căn nguyên là vi khuẩn, virus hoặc nấm, cũng có thể do nhiễm độc, do thuốc, hóa chất…

4. Hở van tim

Hở van tim nặng, đặc biệt là hở van động mạch chủ hoặc van hai lá, có thể làm giảm lượng máu được bơm ra khỏi tim, dẫn đến giảm cung lượng tim, làm suy giảm khả năng cung cấp máu và oxy cho các cơ quan trong cơ thể. Hở van tim tiến triển nặng và kéo dài, có thể gây ra sốc tim do tim không thể duy trì đủ lưu lượng máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

5. Tắc động mạch phổi cấp

Tắc nghẽn động mạch phổi thường do cục máu đông gây ra, có thể gây ra sốc tim. Khi các động mạch phổi bị tắc nghẽn sẽ tạo ra áp lực lớn lên tim phải, làm giảm khả năng bơm máu. Người bệnh có thể nhanh chóng bị suy tim phải và sốc tim nếu không được điều trị kịp thời.

6. Co thắt mạch vành

Co thắt động mạch vành là tình trạng các động mạch cung cấp máu cho tim bị co thắt đột ngột và nghiêm trọng. Tình trạng này có thể gây thiếu máu cục bộ cơ tim, làm giảm khả năng bơm máu của tim. Trong trường hợp nghiêm trọng, co thắt động mạch vành kéo dài có thể dẫn đến sốc tim.

7. Loạn nhịp tim

Rung thất hoặc nhịp nhanh thất làm gián đoạn quá trình bơm máu bình thường của tim, dẫn đến giảm đột ngột lưu lượng máu đến các cơ quan. Nếu không được điều trị ngay lập tức, loạn nhịp tim có thể nhanh chóng dẫn đến sốc tim, thậm chí là tử vong.

8. Các nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác gây sốc tim có thể kể đến như hẹp van tim, thuyên tắc phổi nặng, cơ tim sung huyết mạn tính tiến triển, u nhầy nhĩ trái, do độc tố, thuốc, sốc tim do chấn thương như thủng tim gây chèn ép, dập cơ tim…


Rung thất có thể dẫn đến sốc tim nếu không được điều trị kịp thời

IV. Triệu chứng sốc tim

Các triệu chứng của sốc tim khác nhau, tùy thuộc vào tốc độ và mức độ huyết áp giảm xuống. Sốc tim có thể bắt đầu bằng các triệu chứng như lú lẫn hoặc thở nhanh, hoặc một người có thể không xuất hiện triệu chứng nào rồi đột nhiên mất ý thức. Các dấu hiệu hiệu phổ biến nhất của sốc tim là:

  • Thở nhanh, khó thở nghiêm trọng.
  • Các tĩnh mạch nổi ở cổ.
  • Da ẩm ướt.
  • Bàn tay và bàn chân lạnh.
  • Sốt.
  • Mất ý thức.
  • Phù chân.
  • Đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không đi tiểu.
  • Ngừng tim.

V. Cách xử trí khi phát hiện người bị sốc tim

Khi phát hiện người bị sốc tim, cần xử trí nhanh chóng và đúng cách theo các bước cơ bản sau:

  • Hãy gọi ngay 115 (hoặc số cấp cứu khẩn cấp tại bệnh viện trong khu vực) để yêu cầu sự hỗ trợ y tế chuyên nghiệp.
  • Để người bệnh nằm ở tư thế thoải mái, nới lỏng quần áo, cà vạt, thắt lưng.
  • Kiểm tra xem người bệnh có còn ý thức và hô hấp hay không.
  • Nếu người bệnh bất tỉnh và không thở, tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức bằng cách: ấn ngực 30 lần, thổi ngạt 2 lần và lặp lại cho đến khi có nhân viên y tế đến hỗ trợ.
  • Nếu có sẵn máy sốc điện tự động, sử dụng máy theo hướng dẫn.
  • Nếu người bệnh còn tỉnh táo, giúp họ ngồi thoải mái, hơi nghiêng về phía trước. Đồng thời, trấn an và khuyến khích họ thở đều.

VI. Biến chứng sốc tim

Nếu không được điều trị ngay lập tức, sốc tim có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm bao gồm bao gồm:

  • Tổn thương các cơ quan như não, gan và thận.
  • Ngừng tim.
  • Đột quỵ.
  • Rối loạn nhịp tim nghiêm trọng.
  • Tử vong.

Hiện nay, mặc dù cơ hội sống sót sau sốc tim đã được cải thiện, nhưng vẫn có đến 50-75% số người không qua khỏi. Nếu không được điều trị kịp thời hoặc thậm chí nhiều người đã được điều trị tỷ lệ tử vong là rất lớn.

VII. Cách chẩn đoán sốc tim

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra tay và chân người bệnh có bị lạnh hoặc sưng không, kiểm tra mạch, nghe tim phổi, đo huyết áp và đo lượng nước tiểu để có đánh giá ban đầu. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ có chỉ định làm các phương pháp cận lâm sàng khác để chẩn đoán tình trạng sốc tim như:

  • Chụp X-quang ngực: Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh nhanh và không đau để xem xét các cấu trúc trong và xung quanh ngực, giúp kiểm tra các tình trạng như viêm phổi, suy tim, ung thư phổi, lao, bệnh u hạt và sẹo mô phổi. Đồng thời, chụp X-quang cũng được sử dụng để đánh giá phương pháp điều trị có hiệu quả không và phát hiện các biến chứng sau thủ thuật hoặc phẫu thuật.
  • Siêu âm tim: Hình ảnh từ siêu âm tim cho thấy kích thước và hình dạng của tim cũng như mức độ tim bơm máu có hiệu quả không.
  • Điện tâm đồ: Đo điện tâm đồ có thể giúp bác sĩ biết được nhịp tim, các rối loạn nhịp tim nguy hiểm để có thể cấp cứu kịp thời.
  • Chụp động mạch vành: Chụp động mạch vành được sử dụng để chẩn đoán bệnh tim thiếu máu. Thủ thuật này sử dụng thuốc cản quang để phát hiện tình trạng tắc nghẽn trong động mạch vành do mảng bám tích tụ.
  • Xét nghiệm khí máu: Để kiểm tra lượng oxy và carbon dioxide trong tĩnh mạch và động mạch cũng như các rối loạn kiềm toan nghiêm trọng.
  • Xét nghiệm máu: Để kiểm tra tình trạng hoạt động của tim, gan và thận và tìm mức lactat hoặc axit lactic tăng cao.

Chụp X-quang phổi giúp chẩn đoán các nguyên nhân gây sốc tim

VIII. Cách điều trị sốc tim

Sốc tim là một tình trạng đe dọa tính mạng, đòi hỏi phải hồi sức ngay lập tức trước khi các cơ quan quan trọng bị tổn thương không thể phục hồi. Phần quan trọng nhất của quá trình điều trị sốc tim là cải thiện lưu lượng máu và oxy đến các cơ quan chính để tránh tổn thương.

1. Điều trị bằng thuốc

  • Norepinephrine được chỉ định ở bệnh nhân bị hạ huyết áp nặng hoặc hạ huyết áp không đáp ứng với các thuốc khác.
  • Dobutamine giúp cải thiện khả năng co bóp cơ tim, giảm áp lực cuối tâm trương thất trái và tăng lưu lượng tim.
  • Milrinone giúp tăng co bóp, làm giảm áp lực làm đầy thất trái.
  • Dung dịch muối hoặc dung dịch ringer lactat > 200ml trong 15-30 phút được chỉ định ở những bệnh nhân không có dấu hiệu quá tải dịch.
  • Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim hoặc hội chứng mạch vành cấp cần can thiệp khẩn cấp giúp giảm tỷ lệ tử vong.
  • Thuốc lợi tiểu làm giảm thể tích huyết tương và phù nề, giảm lưu lượng tim và huyết áp.

2. Thủ thuật

  • Phẫu thuật nong mạch vành và có thể đặt stent.
  • Sửa chữa hoặc thay van tim.
  • Chọc hút dịch màng ngoài tim.
  • Can thiệp động mạch vành qua da.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

3. Hỗ trợ tuần hoàn cơ học

Do sốc tim có tiên lượng xấu, liệu pháp y tế thường không đủ, bệnh nhân cần liệu pháp hỗ trợ tuần hoàn cơ học để cải thiện tưới máu cơ quan đích. Oxy hóa màng ngoài cơ thể được chỉ định ở bệnh nhân có tình trạng oxy hóa kém và không cải thiện nhanh chóng bằng các thiết bị hỗ trợ cơ học tạm thời. Tùy trường hợp, bệnh nhân có thể được chỉ định cấy ghép thiết bị hỗ trợ tâm thất hoặc nghiêm trọng hơn là phải chờ ghép tim.

IX. Cách phòng ngừa tình trạng sốc tim

Nguyên nhân chính gây sốc tim là do biến chứng của bệnh động mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim. Do đó, người bệnh có thể giảm nguy cơ sốc tim bằng cách thực hiện các bước ngăn ngừa nhồi máu cơ tim cũng như các vấn đề về tim khác như:

  • Duy trì lối sống lành mạnh: Bạn nên rèn thói quen tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, giàu rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Đồng thời, hạn chế thức ăn nhanh, đồ chiên rán và thực phẩm chế biến sẵn để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Theo dõi và điều trị tăng huyết áp, tiểu đường.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, nên giảm cân khoa học nếu bị thừa cân – béo phì.
  • Ngưng hút thuốc, giảm uống rượu bia.
  • Tránh căng thẳng, stress bằng các cách như: thiền, yoga hoặc hít thở sâu.
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc, từ 7-9 giờ mỗi đêm.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề tim mạch.

CÙNG CHUYÊN MỤC

ĐẶT LỊCH KHÁM